10:07 17/09/2021 Lượt xem: 2226
Nhu cầu xuất khẩu cao. Mít lại là cây dễ trồng, có thể xử lý để cho trái rải vụ, làm nghịch vụ nên có trái quanh năm, không gây ùn ứ sản phẩm.
Những ngày gần đây, giá trái mít Thái tăng là một trong những điểm sáng của thị trường trái cây tại ĐBSCL trong bối cảnh ảnh hưởng giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đỉnh điểm, cách đây 2 tuần, giá mít Thái đạt 52.000 đồng/kg.
Hiện giá trái mít Thái loại I được thương lái thu mua tại vườn là 30.000 đồng/kg, loại II là 20.000 đồng/kg, loại III 10.000 đồng/kg.
Theo chia sẻ từ các thương lái và chủ vựa thu mua loại trái cây này, sở dĩ giá mít Thái tăng cao trong những ngày qua bởi trái cây này xuất khẩu tốt tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây đã qua thời điểm chính vụ nên sản lượng trái cây thay thế không còn nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến mít thực hiện tốt "3 tại chỗ" nên cần nguồn nguyên liệu hoạt động.
Những năm qua, cùng với cây sầu riêng, thanh long, mít Thái là cây trồng cho thu nhập ổn định. Bởi cây mít có thể xử lý để cho trái rải vụ, làm nghịch vụ nên có trái quanh năm, sản lượng không ùn ứ.
Hiện nay, diện tích cây mít, đặc biệt là mít Thái đang phát triển nhanh ở ĐBSCL. Theo Cục Trồng trọt đến năm 2020, diện tích cây mít ở ĐBSCL đã đạt trên 30.000 ha, tập trung ở Tiền Giang, Hậu Giang. Riêng tại Tiền Giang, gần đây địa phương này có diện tích trồng cây mít tăng mạnh. Hiện Tiền Giang có khoảng 15.000 ha đất trồng mít, trong đó cây đang trong thời kỳ kinh doanh là khoảng 11.000 ha.
Tại ĐBSCL, cây mít được nhiều hộ dân lựa chọn chuyển đổi trên đất lúa và cây trồng kém hiệu quả. Bởi cây mít dễ trồng, nhẹ công chăm sóc.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, các vườn cây chuyển đổi còn có nhiều vườn chưa đạt yêu cầu. Một số diện tích nguồn giống chưa đạt yêu cầu chất lượng, chưa nhuần nhuyễn kỹ thuật canh tác cây ăn quả. Chẳng hạn như trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất (trên cây cam, mít), sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại…
Vụ hè thu 2021, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại các tỉnh Nam bộ ước đạt 27.394 ha.
Riêng các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi ước đạt 23.816 ha. Trong đó chuyển đổi trồng cây ăn quả 6.420 ha, cây hăng năm là 20.620 ha. còn lại là nuôi trồng thủy sản.
Trên cây mít, người dân trồng theo mô hình rất dày, khoảng 2,5 m/cây. Điều này dẫn đến cây cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng... Do đó, nhiều trái không đạt chất lượng, bán không được giá. Hơn hết, do khai thác sớm nên hầu hết cây mít hiện nay tuổi thọ không cao, kém bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tân, chủ vựa thu mua mít ở Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) e ngại: Khi trồng dày, không đủ dinh dưỡng sẽ cho trái nhỏ, kém chất lượng, hột to, cơm mỏng ăn không ngon.
Đáng lo ngại khi tung sản phẩm không ngon ra thị trường, nhất là xuất khẩu, sẽ dần định hình chất lượng sản phẩm kém trong thói quen tiêu dùng. Khi đó, người tiêu dùng sẽ đánh giá chất lượng sản phẩm kém. Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng lưu ý việc tổ chức sản xuất, chuyển đổi cây trồng còn chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát.
Vì vậy, cần tăng cường sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn. Việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Vì vậy các địa phương cần sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm.
BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC)