11:02 28/06/2021 Lượt xem: 2719
Giun đất là một trong những yếu tố chỉ thị sinh học về độ phì nhiêu của đất. Chúng hiện diện trong các vùng đất ôn hòa và nhiệt đới. Chúng được chia thành 23 họ, hơn 700 chi và hơn 7000 loài. Kích thước của chúng từ 2.54 cm tới 91.44 cm và có thể tìm thấy ở nhiều độ sâu khác nhau trong đất tùy theo mùa. Xét trên sinh khối và hoạt động tổng thể, giun đất áp đảo trong thế giới của các động vật không xương sống, bao gồm động vật chân đốt.
Các loài giun đất được biết đến trên thế giới được chia thành 3 nhóm dựa vào đặc điểm sinh thái học:
+ Nhóm không đào hang, sống trên bề mặt.
+ Nhóm đào hang nông theo chiều ngang.
+ Nhóm đào hang sâu theo chiều dọc.
Ở Việt Nam, theo Trung tâm Nghiên cứu Động vật đất thì có khoảng trên 170 loài giun đất đã được xác định (Nguyễn Lân Hùng, 2005).
Giun đất không có lổ thở và hô hấp qua da, nên giun đất chỉ sống được trong môi trường đất ẩm ướt, có độ pH trung tính. Giun đất có thể chịu được nhiệt độ từ 0 - 40˚C, khả năng tái sinh cao hơn ở 25-40˚C và độ ẩm 40-45%. Chúng có xu hướng sống đông đúc trong đất sét và đất bùn hơn trong đất cát và đất sét nặng. Cộng đồng giun đất có xu hướng gia tăng cùng với lượng hữu cơ trong đất và giảm cùng với mức độ đất bị cày hoặc các chất hóa học độc hại. Giun đất là loài lưỡng tính, nghĩa là chúng mang những đặc điểm của các giới tính đực và cái.
Cuộc sống của giun đất và vi sinh vật gắn chặt với nhau. Giun đất là những sinh vật chính giúp phân hủy xác sinh vật chết, chúng lấy dinh dưỡng từ nấm, vi khuẩn từ những sinh vật này và có thể cả động vật đơn bào, xạ khuẩn, côn trùng, tuyến trùng các vi sinh vật đất khác có sẵn trong đất. Chúng kích thích hoạt động bằng cách nghiền nát hoặc tăng diện tích bề mặt chất hữu cơ, làm cho các chất hữu cơ này trở nên dễ tiêu thụ bởi các sinh vật nhỏ hơn. Hoạt động của giun đất và các vi sinh vật nhằm để duy trì một vùng đất khỏe mạnh. Một mẫu đất có thể có tới 500.000 con giun đất, nó có thể tái chế từ 5 tấn đất trở lên mỗi năm.
Giun đất thay đổi cấu trúc đất, sự di chuyển của nước, biến động của dinh dưỡng và sự phát triển của cây trồng một cách đáng kể. Chúng không phải là yếu tố tất yếu cho mọi hệ thống đất khỏe, nhưng sự có mặt của chúng thường là một yếu tố để xác định một hệ thống đất khỏe. Giun đất có một số chức năng có lợi.
Cải thiện cấu trúc đất: Tập tính đào hang và nghiền nát chất hữu cơ của giun đất làm thay đổi cấu trúc vật lý của đất, giúp đất tăng độ tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước. Chúng phá vỡ cấu trúc đất dễ dàng, mở ra những khoảng trống nhỏ thông khí được gọi là lỗ rỗng trong đất. Một số loài làm hang cố định sâu trong đất. Những cái hang, lỗ rỗng có thể tồn tại rất lâu sau khi giun đất chết. Tập tính này của chúng còn có thể làm tăng tỷ lệ thấm nước lên đến 10 lần so với lượng ban đầu, mang nước và các chất dinh dưỡng hòa tan xuống rễ cây dễ dàng hơn. Việc đào hang cũng giúp cải thiện độ thoáng khí của đất (quan trọng đối với cả thực vật và các sinh vật khác sống trong đất) và tăng cường sự xâm nhập của rễ cây. Mặt khác, đó cũng là một ống dẫn chính giúp đất thoát nước, đặc biệt là khi mưa lớn, những cái hang và lỗ rỗng cũng làm giảm tối thiểu sự xói mòn trên bề mặt đất.
Tái chế chất hữu cơ: Giun đất kết hợp với vi khuẩn và nấm cùng phân hủy chất hữu cơ. Mọi người thường thấy giun đất nhiều dưới đóng phân trộn, nhưng giun đất cũng làm điều tương tự trên đất đồng cỏ, phân hủy xác bã thực vật, tái chế lá rụng vườn cây ăn trái, xử lý 2 – 20 tấn hữu cơ trên hecta trên năm.
Tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng: theo 2 cách
1. Giun đất tạo điều kiện cho các vật liệu hữu cơ khác đi vào đất dễ dàng hơn. Giun đất cũng lấy chất dinh dưỡng từ bề mặt đất đi xuống đưa chúng tiếp xúc gần hơn với rễ cây.
2. Giun đất góp phần mở khóa các chất dinh dưỡng được giữ trong các sinh vật chết và xác bã thực vật. Sau khi giun đất tiêu hóa và thải ra ngoài, trong phân giun đất chứa các chất dinh dưỡng như phốtpho và nitơ cung cấp cho cây. Các nhà khoa học đã đo được lượng nitơ trong đất sau khi được giun tiêu hóa tăng gấp 5 lần so với đất không được giun tiêu hóa.
Kích thích hoạt động của vi sinh vật: mặc dù giun đất lấy dinh dưỡng từ vi sinh vật, nhưng có nhiều vi sinh vật trong phân của chúng hơn là trong chất hữu cơ mà chúng ăn. Khi chất hữu cơ đi qua hệ tiêu hóa của chúng, nó được nghiền ra và được trộn với các vi sinh vật. Hoạt động của vi sinh vật gia tăng giúp đẩy mạnh việc tái tạo dinh dưỡng từ chất hữu cơ và sự chuyển đổi của chúng sang dạng cây trồng có thể hấp thụ ngay.
Giun đất cung cấp thức ăn cho các loài động vật khác: giống như tất cả các sinh vật, giun đất là một phần của lưới thức ăn. Nó còn là nguồn thức ăn cho một số loài chim và động vật có vú săn tìm giun trên bề mặt đất.
Giun đất không có vẻ bề ngoài thu hút như các loài động vật quen thuộc khác xung quanh ta, nhưng đóng góp của chúng cho thế giới của chúng ta là rất đáng kể. Đôi khi nó được gọi là “kỹ sư hệ sinh thái” vì chúng thay đổi đáng kể các đặc tính lý, hóa và sinh học của cấu trúc đất. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động của các sinh vật khác trong hệ sinh thái đất.
Giun đất đẩy nhanh quá trình khôi phục đất, tăng độ phì nhiêu của đất, tái chế chất thải hữu cơ, cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật khác, chúng giúp phục hồi các hệ sinh thái đang hoạt động cả trên và dưới mặt đất.
Theo Trish Fraser, một nhà khoa học đất chuyên gia về giun đất nói: “Lần tới khi bạn nhìn thấy một con giun đất đang làm việc chăm chỉ có lẽ bạn sẽ cảm ơn và đối xử tốt với nó và cả một đội quân của nó nữa, nó đã giúp chúng ta phục hồi hệ sinh thái”.
Charles Darwin nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về chọn lọc tự nhiên. Ông đã xuất bản rộng rãi về các chủ đề khác nhau, ông đi khắp thế giới và nhìn thấy nhiều loài động vật khác thường. Gần cuối đời mình vào năm 1881, ông đã viết trong The Formation of Vegetable Mold “Có thể những loài động vật bậc thấp đã đóng góp một phần quan trọng trong sự tiến hóa của thế giới” - Darwin đang nhắc đến giun đất.
Hãy bảo vệ và tạo điều kiện để giun đất tái sinh!!!
Saovangmekong
28.6.2021
Tài liệu tham khảo
Earthworms’ role in the ecosystem, Science Learning Hub
Apachai, Tác giả: Elaine R. Ingham, Ảnh: Unsplash