CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 1)

 15:59 21/06/2021        Lượt xem: 3525

CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 1)
CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 1)
Tác giả: Hồ Quang Đức
Ảnh: Mô hình nông lâm kết hợp tại Xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình do Hội Khoa học Đất VN thực hiện.

CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 1)
Tác giả: Hồ Quang Đức
Ảnh: Mô hình nông lâm kết hợp tại Xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình do Hội Khoa học Đất VN thực hiện.
======================
1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam (VN) là nước nằm trong khu vực Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: Mùa hè nóng, mưa nhiều (từ tháng Năm đến tháng Mười) và mùa đông lạnh, mưa ít (từ tháng Mười Một đến tháng Tư năm sau). Khí hậu nhiệt đới ẩm, địa hình phân cắt với những đường đứt gãy và các nếp lồi lõm, lịch sử địa chất phức tạp đã hình thành nên đất đai của VN rất đa dạng và phong phú. Với tổng diện tích tự nhiên phần đất liền chỉ hơn 33 triệu ha, nhưng VN có quỹ đất có nhiều nhóm và loại đất khác nhau. Theo hệ Chú dẫn Bản đồ đất VN tỉ lệ 1/1.000.000 (Ban Biên tập Bản đồ đất VN, 1976), có 13 nhóm đất chính với 31 loại đất được phân bố trên phạm vi toàn quốc.
Bài viết này chỉ đề cập tới một số loại đất chính có diện tích lớn và/hoặc đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Có thể chia chúng thành 2 loại hình thổ nhưỡng khác biệt: Đất vùng đồng bằng và đất vùng trung du và đồi núi.
- Trong tổng số các loại đất vùng đồng bằng, có thể kể đến những nhóm đất chính sau: Đất cát, đất phù sa nhiễm mặn (đất mặn), đất phù sa nhiễm phèn (đất phèn), đất phù sa và đất glây (đất lầy).
- Các loại đất vùng trung du và đồi núi bao gồm: Đất xám bạc màu; đất đỏ vàng phát triển trên đá sét và đá biến chất; đất vàng đỏ phát triển trên đá macma axit; đất vàng nhạt phát triển trên đá cát; đất nâu vàng phát triển trên phù sa cổ; đất nâu đỏ phát triển trên bazan và đất đỏ nâu phát triển trên đá vôi.
Từ những kết quả nghiên cứu của các cơ quan về chất lượng đất, bài viết này cũng đã tổng hợp, đưa ra được một bức tranh về sự giảm sút, thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong một số loại đất đối với cây trồng ở nước ta.

2. ĐẶC ĐIỂM CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH
Những thông tin trong phần này được thu thập từ các nguồn khác nhau nhưng chủ yếu là của Ban Biên tập Bản đồ đất Việt Nam [1], Hội Khoa học Đất Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) [2], [3] và của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, nay là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) [7].

2.1. CÁC NHÓM ĐẤT VÙNG ĐỒNG BẰNG
2.1.1. Nhóm đất cát
Nhóm đất cát có diện tích khoảng 530 nghìn ha, chiếm 1,61 % diện tích cả nước; phân bố chủ yếu ở ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận... Ngoài ra, có một số đất cát phân bố ven các sông lớn hoặc ở một số vùng đất phát triển tại chỗ trên đá mẹ sa thạch hoặc granit. Có 3 loại đất cát phổ biến ở Việt Nam: Đất cồn cát trắng và vàng (Cc); Đất cồn cát đỏ (Cđ) fà Đất cát biển (C).
Đất cát thường có thành phần cơ giới (TPCG) thô, (tỷ lệ cát phổ biến > 80 %), kết cấu rời rạc, rất nghèo dinh dưỡng. Hàm lượng chất hữu cơ (OM), đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O) tổng số và dễ tiêu đều thấp đến rất thấp; dung tích hấp thu/khả năng trao đổi cation (CEC) rất thấp, thường chỉ đạt < 10 meq/100 gam đất; khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng rất kém. Trong nhóm đất này, chỉ có loại đất cát biển là có độ phì nhiêu khá hơn các loại đất cát khác (chất hữu cơ khoảng 1 %). Tuy diện tích không lớn, nhưng đất cát có khả năng cho sản phẩm nông nghiệp đa dạng và rất cần cho cư dân sống trên vùng đất này. Tại các tỉnh ven biển miền Trung, trên đất cát biển có các cây trồng chủ yếu là màu (khoai lang, lạc, đậu đỗ...) và các giải rừng phi lao (Casuarina) và các loại keo (Acasia) phòng hộ, ngăn cản các luồng cát di động.

2.1.2. Nhóm đất mặn
Nhóm đất mặn chiếm hơn 1 triệu ha, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng Nam Bộ như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre... và ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Ngoài ra còn có một ít đất mặn nội địa phân bố ở Ninh Thuận, Bình Thuận, gọi là đất mặn kiềm.
Nhóm đất mặn được chia ra các loại sau: Đất mặn sú, vẹt, đước; Đất mặn nhiều; Đất mặn trung bình và ít; và Đất mặn kiềm.
i) Đất mặn sú, vẹt, đước (Mangrove): Có khoảng 180 nghìn ha, tập trung ở ven biển, nhưng diện tích lớn nhất là ven biển Nam Bộ (Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre...). Đất mặn sú, vẹt, đước là đất chưa thuần thục (n-value < 0,7); ngập triều, bão hòa muối NaCl, nên không dùng cho sản xuất nông nghiệp được. Loại đất này là đất ngập nước dưới rừng ngập mặn với thảm thực vật chủ yếu là đước (Rhizophora), vẹt (Bruguiera), bần (Sonnerratia Caseolaria), dừa nước (Nipa Fruiticans)... Thành phần của những quần hợp trong rừng đước, vẹt phụ thuộc vào độ dầy, độ chặt của đất, độ mặn và chu kỳ ngập của nước mặn. Đất mặn sú, vẹt, đước thường ở dạng bùn lỏng, lầy, rất mặn, pH trung tính, nhiều mùn do lá, rễ đước phân hủy ra. Ngoài tác dụng chắn gió, chắn sóng, cung cấp củi, than gỗ; rừng sú, vẹt, đước góp phần cố định đất. Phù sa làm đất cao dần, chặt dần, thoát dần khỏi tác động của thủy triều, ít mặn dần; quai đê, rửa mặn biến thành đất trồng trọt được. 
Đất thường có TPCG là thịt nặng đến sét; hàm lượng chất hữu cơ tương đối cao từ 2 - 3 %; lân và kali tổng số tương đối khá, nhưng hàm lượng dễ tiêu lại thấp (đặc biệt là lân dễ tiêu chỉ đạt < 10 mg P2O5/100 gam đất). 
ii) Đất mặn nhiều: Có khoảng gần 300 nghìn ha, tập trung ven biển đồng bằng Bắc Bộ (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình...) và đồng bằng Nam Bộ (Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau...). Nguyên nhân mặn là do muối biển với lượng tổng số muối tan > 0,5 %; lượng Cl- cũng đạt 0,2 - 0,3 %. Muối biển chủ yếu là NaCl theo nước thủy triều hoặc theo nước sông tràn vào đất, hoặc theo mạch nước ngầm mà bốc mặn lên vào mùa khô. Độ dẫn điện thường lớn hơn 4 dS/m ở 25 độ C. Độ no bazơ thường cao. Độ pH thường trung tính. Hàm lượng mùn không cao vì mùn thường ở dạng Na humat dễ tan và trôi mất. Về mặt lý tính, đất thường rất dẻo, dính khi có nước, khi khô thì co lại, nứt nẻ... 
Đất mặn nhiều có hàm lượng Cl- > 0,25 %; tổng số muối tan > 1 % là yếu tố hạn chế chính trong sản xuất nông nghiệp, mặc dầu các yếu tố độ phì nhiêu tự nhiên tương đối khá (hàm lượng chất hữu cơ biến động trong khoảng 2,0 - 2,5 % OM, kali và lân tổng số tương đối khá, TPCG chủ yếu là thịt trung bình). 
iii) Đất mặn trung bình và ít: Có diện tích khoảng 700 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở ven biển, những nơi có đất mặn nhiều nhưng nằm sâu hơn vào phía trong đất liền. Đặc diểm cơ bản của loại đất này là ít mặn hơn, khả năng trồng trọt cao và cho năng suất cao hơn. 
Đất mặn trung bình và ít chiếm diện tích lớn nhất trong nhóm đất mặn, đã được sử dụng khá triệt để cho sản xuất nông nghiệp. Trên đất này, yếu tố hạn chế chính vẫn là độ mặn, tuy không cao như ở đất mặn nhiều, nhưng vẫn gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng. Đất có TPCG là thịt trung bình đến nặng, hàm lượng chất hữu cơ khá (xấp xỉ 2 %); kali tổng số khá.

2.1.3. Đất phèn
Được hình thành từ sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (sulfidic materials) - Pyrite. Trong điều kiện khử, vật liệu sinh phèn sẽ hình thành đất phèn tiềm tàng và khi bị oxy hoá, tầng Pyrite sẽ tạo nên Jarosite (có màu vàng rơm), hình thành tầng phèn (sulfuric horizon) là tầng chẩn đoán của đất phèn hoạt động (hay còn gọi là đất phèn hiện tại). 
Đất phèn tiềm tàng có khoảng gần 600 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở ven biển đồng bằng Nam Bộ. Đất được hình thành do sự có mặt của tầng sinh phèn (sulfidic horizon), là tầng tích lũy vật liệu sinh phèn (sulfidic materials), là tầng sét và tầng hữu cơ ngập nước, thường ở trạng thái yếm khí có chứa SO3 trên 1,7 % (tương đương 0,75 % S); khi ôxy hóa pH xuống dưới 3,5; sự chênh lệch độ pH ( pH) giữa đất phèn ở trạng thái ôxy hóa với trạng thái khử thường đạt trên 2 đơn vị. 
Đất phèn hoạt động (đất phèn hiện tại) có khoảng gần 1,4 triệu ha, phân bố chủ yếu ở đồng bằng Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đất phèn hoạt động được hình thành do có tầng phèn là một dạng tầng B xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển từ đất phèn tiềm tàng, tập trung chủ yếu là khoáng Jarosite dưới dạng đốm, vệt vàng rơm có màu 2,5Y (Munsell); có pH thường dưới 3,5. Tầng phèn thường vẫn gọi là tầng Jarosite, là tầng chỉ thị cho đất phèn hoạt động. 
Đặc điểm cơ bản và cũng là yếu tố hạn chế chính của chúng trong sản xuất nông nghiệp là phân bố ở địa hình thấp, trũng; đất chưa thuần thục; thường glây mạnh ở các tầng dưới; hàm lượng lưu huỳnh cao (đối với đất phèn tiềm tàng); hàm lượng các độc tố như Al+3, Fe+2, Fe+3, SO4-2 cao; pHKCl thường thấp dưới 3,5 (đối với đất phèn hoạt động). Đất phèn thường có hàm lượng chất hữu cơ cao (khoảng 3 - 5 % OM), mức độ phân giải thấp; hàm lượng lân và kali dễ tiêu thấp (tương ứng là 3 mg P2O5/100 gam đất và 15 mg K2O/100 gam đất).

2.1.4. Đất phù sa
Là nhóm đất màu mỡ nhất của VN trong loại hình thổ nhưỡng vùng đồng bằng, ít có các yếu tố hạn chế đến sản xuất nông nghiệp. Đất phù sa của VN thường phân bố ở giữa khối đất bồi tụ hai đồng bằng tam giác chân lớn là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và tại các sông khác ở miền Trung. Đất phù sa được chia thành 3 loại: Đất phù sa của hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long và các sông khác.
Đất phù sa của hệ thống sông Hồng có TPCG chủ yếu là thịt trung bình đến nặng; trị số pH nước thường là trung tính; hàm lượng chất hữu cơ trung bình đến khá, biến động trong khoảng 1,2 - 2,5 % OM; đạm tổng số trung bình đến khá (0,12-0,26 % N); hàm lượng lân và kali tổng số khá, tương ứng 0,1 và 2 %; lân và kali dễ tiêu cũng khá cao, tương ứng 15 mg P2O5/100 gam đất và 25 mg K2O/100 gam đất. Dung tích hấp thu của đất này thường biến động trong khoảng 15 đến 25 meq/100 gam đất; độ no bazơ (BS) trung bình, thường biến động trong khoảng 40 - 50 %.
Đất phù sa của hệ thống sông Cửu Long cũng có các đặc tính độ phì nhiêu tương tự như của đất phù sa đồng bằng sông Hồng; tuy nhiên TPCG có nặng hơn do đặc điểm của vật liệu phù sa; dung tích hấp thu thấp hơn và hàm lượng chất hữu cơ thường cao hơn (biến động trong khoảng 2,0 - 2,7 % OM).
Đất phù sa của hệ thống các sông khác thường chua hơn, các đặc tính độ phì nhiêu cũng thấp hơn so với đất phù sa của sông Hồng và sông Cửu Long. Đất có trị số pH thường dưới 7; độ no bazơ dưới 50 %; dung tích hấp thu trung bình đến thấp (biến động trong khoảng 8 - 15 meq/100 gam đất).

2.1.5. Đất glây
Hầu hết các loại đất trong nhóm đất này được hình thành từ các vật liệu không gắn kết, trong môi trường ngập nước và yếm khí, cấu trúc đất không rõ; bị glây mạnh trong vòng 0 - 50 cm hay trong toàn phần phẫu diện đất. Đất có TPCG nặng; thường chua (pHKCl khoảng 4); hàm lượng chất hữu cơ trung bình đến khá (1,5 - 2,5 % OM); nghèo lân tổng số (0,02 - 0,09 % P2O5) và rất nghèo lân dễ tiêu (1 - 5 mg P2O5/100 gam đất); kali tổng số trung bình (xấp xỉ 1 % K2O) nhưng hàm lượng dễ tiêu lại nghèo (5 - 10 mg K2O/100 gam đất). Đất có tổng các cation kiềm trao đổi thấp (dưới 6 meq/100 gam đất) và dung tích hấp thu thấp (< 10 meq/100 gam đất). Đất glây thường chứa nhiều độc tố bất lợi cho cây trồng như Al+3, Fe+2, Fe+3, H2S...

2.2. CÁC NHÓM ĐẤT VÙNG TRUNG DU VÀ ĐỒI NÚI
Các loại đất chính trên vùng trung du và đồi núi chiếm diện tích gần 24 triệu ha (khoảng 72 % diện tích đất tự nhiên), phân bố hầu như khắp cả nước và giữ vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam. Sau đây là đặc điểm cơ bản của một số loại đất chính trong nhóm này.

2.2.1. Nhóm đất xám bạc màu
Nhóm đất xám bạc màu có diện tích khoảng 3 triệu ha; thường phân bố ở địa hình cao; có thành phần cơ giới nhẹ, dễ khoáng hóa và rửa trôi. 
- Đất xám bạc màu trên phù sa cổ: Loại đất này tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh và lẻ tẻ ở 1 số tỉnh miền Bắc như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên... với diện tích khoảng 1,4 triệu ha. Đó là những thềm phù sa cũ cao chừng 15 - 20 m, địa hình bằng phẳng hoặc bậc thang, quanh năm không ngập nước. Thành phần cơ giới từ trên mặt xuống sâu đều nhẹ, từ thịt nhẹ, cát pha đến cát. Tuy đất xám bạc màu có độ phì nhiêu tự nhiên thấp, nhưng lại có độ phì nhiêu thực tế cao nếu biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Đất xám bạc màu nghèo chất dinh dưỡng nhưng vẫn là loại đất quý vì có những ưu điểm sau: (i) Địa hình bằng phẳng; (ii) Có nguồn nước ngầm tốt, không chua, không mặn, ở nông nên có thể khai thác tưới dễ dàng; (iii) Đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước; và (iv) Làm đất đỡ tốn công. 
- Đất xám bạc màu glây trên phù sa cổ: Loại này có nguồn gốc phát sinh giống loại trên nhưng ở địa hình thấp hơn, thường ngập nước vào mùa mưa, có diện tích khoảng 400 nghìn ha. Chế độ canh tác điển hình là một vụ lúa-một vụ màu (khoai lang, đậu, lạc, thuốc lá vv...). Hầu hết đất bạc màu ở miền Bắc và đất trồng lúa ở Trảng Bàng, Củ Chi, Tây Ninh, Đồng Nai vv... thuộc loại này. Lớp đất mặt thường là thịt nhẹ, màu xanh trắng. Tầng đế cày hơi chặt và bắt đầu có glây. So với đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất này có hàm lượng mùn cao hơn, các chất dinh dưỡng khác cũng khá hơn. 
- Đất xám bạc màu trên sản phẩm phong hóa của đá macma axit và đá cát: Loại này chỉ có ở Tây Nguyên và lẻ tẻ dọc ven biển miền Trung, một ít ở Quảng Ninh, Thái Nguyên. Quá trình hình thành giống như đất xám bạc màu trên phù sa cũ nhưng hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá macma axit và đá cát. Loại đất này có diện tích khoảng 1,3 triệu ha. Đất chua, nghèo và dễ bị khô hạn. Ngoại trừ một ít đất có thể dùng cho sản xuất nông nghiệp ở vùng thềm thấp, còn ở địa hình cao, loại đất này nên để phát triển lâm nghiệp.
Nhìn chung, nhóm đất này có TPCG nhẹ (tỉ lệ cát chiếm khoảng 30 - 50 %), tầng mặt có cấu trúc kém, thường bị hạn nặng vào mùa khô. Đất thường chua đến rất chua (pHKCl biến động trong khoảng 3,5 - 4,5); các đặc tính độ phì nhiêu tự nhiên thấp. Hàm lượng chất hữu cơ từ nghèo đến rất nghèo (0,5 - 1,0 % OM); hàm lượng các chất tổng số và dễ tiêu đều thấp (đạm tổng số: 0,04 - 0,08 % N; lân tổng số: 0,03 - 0,06 % P2O5; kali tổng số: 0,2 - 0,4 % K2O; lân dễ tiêu: 4 - 5 mg P2O5/100 gam đất; kali dễ tiêu: 5 - 6 mg K2O/100 gam đất). Đặc biệt dung tích hấp thu rất thấp (4 - 7 meq/100 gam đất) và độ no bazo thấp dưới 50 %.

2.2.2. Đất đỏ vàng phát triển trên đá sét và đá biến chất
Với diện tích khoảng hơn 7 triệu ha, loại đất này phân bố hầu khắp trên cả nước và giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vùng đồi núi. Được hình thành và phát triển trên các đã bột kết hạt mịn, phiến thạch sét, philit, paragơnai... nên khi phong hoá cho các đất thường có thành phần cơ giới nặng. Vùng đất Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn... có đất phát triển trên đá phiến mica, paragơnai với địa hình đồi bát úp. Vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình lại tập trung khá nhiều phát triển trên các đá phiến màu tím và các đá phiến thạch sét khác trên địa hình đồi cao và cao nguyên. Trong khi đó, Bắc Giang, Quảng Ninh lại ở trên bề mặt một bán bình nguyên cổ bị mài mòn, và ở miền Trung lại phát triển chủ yếu trên các nhánh và chân của dãy Trường Sơn.
Đất đỏ vàng phát triển trên đá sét và đá biến chất có một số tính chất chung sau: Đất hình thành trên những độ cao khác nhau với những cấp dốc khác nhau. Có màu đỏ vàng (2,5 - 10 YR) đậm dần xuống các tầng dưới. Độ dày tầng đất từ 0,60 - 1,20 m (tầng đất dầy hơn phát hiện được ở trên đá phiến mica ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang...). Sự phân tầng thể hiện rất rõ, phẫu diện thường có đủ ba tầng A, B, C. Nhìn chung, đất kém tơi xốp (độ xốp khoảng 40 %). Đất phát triển trên đá phiến thạch sét màu tím và đá phiến mica có kết cấu tốt và tơi xốp hơn. Thành phần cơ giới: tầng mặt trung bình (tỉ lệ thịt khoảng 40 %), tầng dưới thịt nặng đến sét (sét vật lý khoảng 50 %). Đất chua (pHKl 4,0 - 4,5). Hàm lượng chất hữu cơ biến động từ 1,8 đến 2,5 % OM; đạm tổng số biến động từ 0,1 đến 0,2 % N. Hàm lượng các chất dễ tiêu nghèo: Lân khoảng 1 - 5 mg P2O5/100 gam dất, kali dưới 5 mg/100 gam đất. Kali tổng số thường trung bình đến khá (0,5 - 1,0 % K2O), đất phát triển trên phiến mica giàu kali hơn (> 1,5 % K2O).

2.2.3. Đất vàng đỏ phát triển trên đá macma axit
Loại đất này cũng có diện tích khá lớn ở nước ta (khoảng 4,5 triệu ha) phân bố xen kẽ với các loại đất đồi núi khác khắp cả nước. Đá macma axit ở Việt Nam gồm nhiều loại như: Granít, liparit, rhyolit, pocphia thạch anh... Do đá macma axit thường tạo nên địa hình dốc, bản thân lại khó phong hóa cho nên đất phát triển trên các đá này thường có tầng đất mỏng (bình quân khoảng 1 m trở lại). Đất có màu đỏ vàng (2,5 - 10YR). Thành phần cơ giới của đất thường là trung bình, do bị rửa trôi nên tầng mặt có thể nhẹ hơn tầng dưới. Trên mặt cắt của phẫu diện có nhiều hạt thạch anh sắc cạnh còn sót lại. Đất chua (pHKCl  4). Tầng mùn mỏng, chất hữu cơ biến động từ 1,5 - 2,2 % OM. Hàm lượng lân tổng số thấp (0,03 - 0,06 % P2O5); kali tổng số khá (1,8 - 2,0 % K2O); lân dễ tiêu thấp (5 - 7 mg P2O5/100 gam đất); kali dễ tiêu trung bình (10 - 15 mg K2O/100 gam đất). Hàm lượng các cation kiềm trao đổi thấp (Ca++ khoảng 3-4 ldl/100g đất; Mg++ khoảng 2-3 ldl/100g đất); dung tích hấp thu trong đất cũng thấp, biến động trong khoảng 5 - 10 meq/100 gam đất.

2.2.4. Đất vàng nhạt phát triển trên đá cát
Có diện tích khoảng 2,5 triệu ha, phân bố ở các tỉnh vùng Đông Bắc, miền Trung... Đất vàng nhạt trên đá cát, dăm kết, cuội kết thường có tầng đất mỏng < 1 m do đá mẹ khó phong hóa và thành phần cơ giới nhẹ. Đất có màu vàng nhạt (10YR - 2,5Y). Đất bị rửa trôi, xói mòn mạnh. Đất chua (pHKCl  4,0 - 4,5); nghèo mùn (chất hữu cơ 1,0- 1,5 % OM); rất nghèo các chất dễ tiêu (lân: 1 - 2 mg P2O5/100 gam đất; kali: 1 - 4 mg K2O/100 gam đất). Hàm lượng các cation kiềm trao đổi thấp, khoảng 2,5 - 3,5 meq/100 gam đất; dung tích hấp thu thấp (< 10 meq/100 gam đất).

2.2.5. Đất nâu vàng phát triển trên phù sa cổ
Loại đất này phân bố ở rìa vùng đồng bằng Bắc Bộ (Hà Tây cũ), Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… và Đông Nam Bộ với diện tích khoảng 400 nghìn ha; thường phát triển trên các dải đồi lượn sóng thấp, thoải, quá trình rửa trôi và đá ong hoá mạnh. Trong phẫu diện đất thường có tầng cuội, sỏi tròn cạnh nhiều kích thước, hoặc tầng kết von, đá ong cứng chặt. Đất có màu nâu vàng (7,5YR - 10YR); thành phần cơ giới nhẹ, các tầng dưới nặng hơn; chua (pHKCk  4 - 4,5); nghèo các chất dinh dưỡng. Hàm lượng chất hữu cơ nghèo đến trung bình, biến động từ 1,0 - 1,5 % OM; lân tổng số nghèo (0,06 % P2O5); lân dễ tiêu thấp (2 - 5 mg P2O5/100 gam đất); kali tổng số và dễ tiêu đều nghèo (tương ứng 0,08 % K2O và 4 - 5 mg K2O/100 gam đất). Đô no bazo thấp (< 30 %), lượng nhôm di động khá cao, có khi lên tới 17 mg Al3+/100 gam đất.

2.2.6. Đất nâu đỏ phát triển trên bazan
Vùng đất nâu đỏ phát triển trên bazan chiếm diện tích khoảng 2 triệu ha; thường có địa hình đồi tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng (Xuân Lộc, Do Linh, Phủ Quỳ) hay địa hình cao nguyên tương đối bằng (Tây Nguyên) và phân bố tập trung, liền khoảnh. Đất nâu đỏ có tầng đất dầy (nhiều nơi dày hơn 10 m) gần như đồng nhất từ trên xuống dưới, và có mầu từ 2,5YR - 10YR. Thành phần cơ giới đất thường nặng (tỷ lệ sét thường > 50 %), nhưng do kết cấu tốt nên đất vẫn tơi xốp, thoáng khí (dung trọng khoảng 1 g/cm3 và độ xốp khoảng 50 - 60 %). Đất chua (pHKCl từ 4,0 - 4,5); hàm lượng chất hữu cơ cao 3,0 - 3,5 % OM, nơi còn rừng có thể đạt > 4 %. Thành phần mùn chủ yếu là các axit fulvic. Axit mùn thường tồn tại ở dạng tự do, dễ di động, tầng đất mùn dày. Đất có hàm lượng đạm tổng số cao (N: 0,16 - 0,25 %), lần tổng số hầu như cao nhất trong các loại đất (0,2 - 0,3 % P2O5). Độ no bazo thấp (< 40 %); dung tích hấp thu thấp dưới 15 meq/100 gam đất. Có quá trình tích luỹ Fe, Al tương đối và tuyệt đối. Mức độ Feralit hóa khá mạnh, tỷ lệ SiO2/R2O3 trong keo thường dưới 1,5.

2.2.7. Đất đỏ nâu phát triển trên đá vôi
Đất đỏ nâu trên đá vôi rất phổ biến ở miền Bắc Việt Nam như ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An... với diện tích khoảng 250 nghìn ha; hình thành và phát triển trên sản phẩm phong hóa ở những vùng chân núi đá vôi (thường phát triển dạng địa hình castơ) khá dốc, xen kẽ với những thung lũng hẹp nên tính chất khá phức tạp. Đất bị chia cắt, phân tán, không đồng đều về độ dày, mức độ xói mòn, độ ẩm và chất dinh dưỡng. Đất thường có TPCG nặng, tỷ lệ sét khá cao, thường > 50 %; cấu tượng khá tốt, độ xốp đạt trên 50 %. Sức chứa ẩm đồng ruộng khá cao nhưng tốc độ thấm mạnh nên thường thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Đất có hàm lượng chất hữu cơ khá cao (2,5 - 3,5 % OM, nơi còn rừng có thể đạt tới 4 %); hàm lượng lân và kali tổng số khá (tương ứng là 0,1 - 0,2 % P2O5 và 0,8 - 1,0 % K2O) trong khi đó hàm lượng lân và kali dễ tiêu không cao (tương ứng là 5 - 10 mg P2O5/100 gam đất và 10 - 15 mg K2O/100 gam đất); độ no bazo > 50 % và dung tích hấp thu 20 - 25 meq/100 gam đất.
(còn tiếp)
======
 

 

 

Tin liên quan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây