15:04 17/09/2019 Lượt xem: 1788
Sự cộng hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu trong mùa khô 2016 đã khiến cho mặn xâm nhập sâu, kéo dài và gay gắt, gây ảnh hưởng xấu đến phần lớn diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Dự báo tình trạng xâm nhập mặn còn tiếp diễn trong các năm tới. Tác hại của mặn đến cây ăn trái rất khác nhau, tùy thuộc vào giống, loài cây, tuổi cây, tình trạng phát triển và giai đoạn sinh trưởng của cây, tùy thuộc vào độ mặn của nước tưới, số lần tưới… Do đó, để có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm giảm thiểu những thiệt hại do mặn đối với cây trồng, các nhà vườn cần lưu ý các nội dung sau:
1. Ngưỡng chịu mặn của một số loại cây ăn trái
Khả năng chịu mặn (độ mặn của nước tưới đến ngưỡng gây hại) của một số loại cây ăn trái tạm thời được chia theo các nhóm như sau:
- Nhóm chịu mặn rất kém dưới 1 phần ngàn (‰): Sầu riêng, măng cụt, bòn bon.
- Nhóm chịu mặn kém từ 1,4 – 2‰: Ca cao, chôm chôm, vú sữa.
- Nhóm chịu mặn trung bình từ 2 – 3‰ : Cam ,chanh, bưởi, chuối.
- Nhóm chịu mặn khá từ 3 – 4‰: Xoài, xoài ghép trên gốc xoài ghép xanh, gốc xoài Châu Hạng Võ có khả năng chịu mặn đến 6‰.
- Nhóm chịu mặn tốt từ 4 – 6‰: Cam quýt ghép trên gốc cam 3 lá, xoài Châu Hạng Võ, me.
- Nhóm chịu mặn rất tốt từ 6 – 10‰: Dừa, sa-pô, mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát.
Tuy nhiên, ngưỡng chịu mặn của cây còn tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng và tình trạng của cây: ở giai đoạn cây con, cây đang ra lá non hoặc cây đang ra bông, mang trái thì cây có sức chịu đựng kém hơn cây trưởng thành có bộ lá già.
Cần lưu ý, nếu vườn phải tưới nước mặn nhiều lần và nhiều nước trong mỗi lần tưới dẫn đến nồng độ mặn trên mặt liếp tăng thì độ mặn của nước tưới phải “trừ hao” thấp hơn ngưỡng bình thường.
2.Tác hại của mặn đối với cây ăn trái
Khi cây ăn trái bị nhiễm mặn, cây không hút được nước (hiện tượng hạn sinh lý), không hấp thu được dinh dưỡng, các quá trình sinh lý trong cây bị rối loạn, sinh trưởng của cây bị ức chế. Trường hợp cây bị nhiễm nặng, vượt quá khả năng chịu đựng, cây sẽ bị ngộ độc, lá bị cháy (Hình 1) và rụng (Hình 2), cây héo và chết. Ngoài ra, khi cây bị nhiễm mặn, khả năng chống chịu bệnh kém nên thường bị “bội nhiễm” bệnh (bệnh thán thư phát triển mạnh trên cây có múi bị nhiễm mặn là một ví dụ - Hình 3). Do đó, nếu tưới nước có nồng độ mặn vượt quá ngưỡng chịu đựng của cây thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây, làm thất thu năng suất (Hình 4) và giảm chất lượng của trái cây, thậm chí làm cây bị chết.
Hình 1 | Hình 2 | Hình 3 | Hình 4 |
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
(nguồn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng)