CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 2)

 16:17 21/06/2021        Lượt xem: 1366

CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 2)
3. SỰ GIẢM SÚT VÀ THIẾU HỤT CÁC CHẤT DINH DƯỠNG TRONG ĐẤT ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG
4. KẾT LUẬN
CÁC LOẠI ĐẤT CHÍNH VÀ SỰ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG Ở VIỆT NAM (phần 2)
Tác giả: Hồ Quang Đức
========
3. SỰ GIẢM SÚT VÀ THIẾU HỤT CÁC CHẤT DINH DƯỠNG TRONG ĐẤT ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG
Do còn những hạn chế nhất định trong công tác thu thập, tổng hợp tài liệu; phần này chỉ trình bày những kết quả nghiên cứu chính trong 5 năm gần đây có liên quan đến chất dinh dưỡng trong một số loại đất chính.
Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về Nghiên cứu giải pháp tổng hợp phát triển sắn bền vững trên đất gó đồi miền Trung và Tây Nguyên của nhóm nghiên cứu (Nguyễn Văn Chinh và nnk) thuộc Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp [6] đã xác định: Trong đất đỏ vàng trồng sắn tại miền Trung và Tây Nguyên có yếu tố dinh dưỡng hạn chế chủ yếu là chất hữu cơ, đạm tổng số, CEC, K và Mg trao đổi thấp. Bên cạnh đó, đất chua (pHKCl < 5) và thành phần cấp hạt thô cũng là những yếu tố gây bất lợi trong sản xuất sắn.
Khi nghiên cứu về đất trồng cà phê (đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan) ở Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng), nhóm nghiên cứu (Vũ Anh Tú, Nguyễn Văn Toàn và nnk) của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp [5] đã xác định được những hạn chế về các chất dinh dưỡng trong đất; trong đó, chủ yếu là hàm lượng chất hữu cơ, kali và magiê.
Từ năm 2010 đến năm 2014, nhóm tác giả (Lê Xuân Ánh, Hồ Quang Đức và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [15] đã tiến hành Nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước về Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi khả năng canh tác cà phê trên diện tích sau thanh lý ở Đắk Lắk; được tiến hành trên hai loại đất: Đất nâu đỏ phát triển trên bazan và đất vàng đỏ phát triển trên granit. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: Đất nâu đỏ phát triển trên bazan tái canh cà phê có phản ứng chua đến chua nhiều với giá trị pHKCl dao động trong khoảng 4,8 - 5,4. Hàm lượng hữu cơ tổng số ở các tầng dưới thấp, thay đổi trong phạm vi 1,05 - 1,95 % OM. Lân tổng số và kali tổng số đạt mức thấp đến trung bình. Lân dễ tiêu khá, kali dễ tiêu thấp. Dung tích hấp thu đạt mức trung bình đến thấp (CEC: 8,4 - 16 meq/100 gam đất). Đất vàng đỏ trồng cà phê có phản ứng chua nhiều đến chua, với giá trị pHKCl khoảng 4,25 - 5,33. Hàm lượng cac bon tổng số nghèo, các chất tổng số khác (N, P, K), lân và kali dễ tiêu đều nghèo đến rất nghèo. Dung tích hấp thu và các cation kiềm thổ thấp. Đất chua, hàm lượng sắt, nhôm, mangan di động cũng khá cao, chiếm tỷ lệ cao hơn các cation kiềm thổ (Ca2+, Mg2+) và cao hơn ở đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan. Sự thiếu hụt chất hữu cơ và kali dễ tiêu trong các loại đất nghiên cứu (đặc biệt là đất xám) rất rõ, và cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đó.
Phạm Ngọc Tuấn và nnk [4] khi đánh giá thực trạng một số loại đất điển hình trồng mía tại Thanh Hóa, đã xác định được: Đất trồng mía trên 2 loại đất đỏ vàng và nâu đỏ tại Thọ Xuân và Ngọc Lặc có một số hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía nguyên liệu có thể đánh giá như sau: (i) Đất trồng mía có địa hình phức tạp và chia cắt nên không chủ động được nguồn nước tưới mà chủ yếu phụ thuộc nước trời; (ii) Đa số ruộng có thời gian canh tác mía độc canh khá lâu (trên 15 năm) nên không được cải tạo; (iii) Hàm lượng lân tổng số cao nhưng lân dễ tiêu lại thấp; (iv) Đất rất nghèo kali cả tổng số và dễ tiêu.
Khi nghiên cứu nhóm đất đỏ vàng trồng mía tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), nhóm tác giả (Hồ Quang Đức và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [9] đã phát hiện ra rằng: Ở các vùng trồng mía gồm các loại đất phát triển trên đá biến chất, đá phiến sét và đá cát. Thành phần cơ giới trung bình đến nặng, từ thịt pha sét đến thịt pha sét và cát. Phản ứng chua đến chua nhiều, trị số pHH2O dao động trong khoảng 4,51 - 5,61; pHKCl dao động trong khoảng 3,59 - 4,70. Tổng các cation trao đổi, dung tích hấp thu và độ no bazơ trong đất ở mức thấp đến rất thấp. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất tầng mặt ở mức nghèo đến trung bình, một số chỉ tiêu như lân, kali tổng số và dễ tiêu còn ở mức rất nghèo. Các bon hữu cơ tổng số tầng mặt dao động trong khoảng 0,57 - 1,80 % OC; đạm tổng số dao động trong khoảng 0,06 - 0,15 % N; lân tổng số dao động trong khoảng 0,02 - 0,09 % P2O5 và lân dễ tiêu dao động trong khoảng 0,21 - 3,02 mg P2O5/100 gam đất; kali tổng số dao động trong khoảng 0,14 - 0,83 % K2O và kali dễ tiêu dao động trong khoảng 1,10 - 9,02 mg K2O/100 gam đất.
Khi nghiên cứu về yếu tố hạn chế (YTHC) của độ phì đất trồng lúa ở ĐBSH và ĐBSCL, nhóm tác giả (Nguyễn Văn Bộ và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [12] đã phân tích, xử lý thống kê các yếu tố trong đất trong mối quan hệ với năng suất lúa tại địa điểm lấy mẫu, đã xác định được các YTHC đối với từng loại đất ở hai vùng ĐBSH và ĐBSCL như sau:
i) Trên đất phù sa ĐBSH:
- Hàm lượng hữu cơ tổng số: Với giá trị hiện tại dao động trong khoảng 1,8 % OC, mặc dù tăng mạnh trong khoảng từ những năm 1990 trở lại đây, song OC vẫn có khả năng hạn chế đến năng suất lúa.
- Kali tổng số: Giá trị hiện tại dao động trong khoảng 1,27 % K2O, giảm so với những năm 1990, kali có thể được coi là YTHC rõ ràng nhất trên đất phù sa ĐBSH trong những năm tới.
- Đạm tổng số: Giá trị hiện tại dao động trong khoảng 0,19 % N, tăng mạnh so với những năm 1990. Tuy nhiên, với việc sử dụng nhiều giống lúa cao sản, cảnh báo về thiếu hụt dinh dưỡng đạm trong đất là cần thiết.
ii) Trên đất mặn ĐBSH:
- Kali tổng số: Giá trị trung bình hiện tại khoảng 1,25 % K2O, giảm mạnh so với 2,58 % K2O của những năm 1990.
- Tổng các cation bazơ trao đổi (TBC): Giá trị trung bình hiện nay nằm trong khoảng 4,4 meq/100 gam đất. Chỉ tiêu này suy giảm liên tục từ những năm 1975 đến nay.
iii) Trên đất phù sa ĐBSCL: Lân tổng số với giá trị trung bình đạt 0,09 % P2O5, giảm so với trung bình 0,1 % của những năm 1990.
iv) Trên đất phèn ĐBSCL: Kali tổng số đạt 1,11 % K2O, giảm mạnh so với những năm trước (năm 1975 đạt 1,29 % K2O; năm 1990 đạt 1,84 % K2O).
v) Trên đất mặn ĐBSCL: Kali tổng số đạt trung bình 1,24 % K2O; giảm mạnh so với các năm trước (năm 1975 đạt 1,50 % K2O; năm 1990 đạt 1,63 % K2O).
Nghiên cứu về thực trạng đất phèn và đất mặn vùng ĐBSCL và ĐBSH sau 30 năm khai thác sử dụng, các tác giả (Hồ Quang Đức và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [8] đã xác định được một số chỉ tiêu về các chất dinh dưỡng cho cây trồng đã bị suy giảm, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Cụ thể:
a) Đồng bằng sông Hồng:
Đất mặn nhiều: Các chất tổng số: OC, P2O5 đều tăng, nhưng K2O tổng số giảm; đạm tổng số ít có sự biến đổi. Lân dễ tiêu tăng, nhưng kali dễ tiêu giảm; các cation kiềm Ca2+, Mg2+ và CEC cũng giảm. Đất mặn trung bình và ít: Độ chua của đất tăng (pHH2O giảm); Các chất tổng số: OC, K2O tăng; nhưng P2O5 không thấy có sự biến đổi, còn N giảm. Các chất dễ tiêu: P2O5 và K2O đều giảm. Hàm lượng Ca2+ giảm 0,32 meq/100 gam đất và Mg2+ giảm 0,82 meq/100 gam đất.
Đất phèn tiềm tàng: Hàm lượng lân dễ tiêu giảm 4,15 mg P2O5/100 gam đất; kali dễ tiêu giảm 10,36 mg K2O/100 gam đất. Hàm lượng Ca2+ giảm 1,00 meq/100 gam đất và Mg2+ giảm 1,89 meq/100 gam đất. Đất phèn hoạt động: Hàm lượng N và K2O tổng số giảm. Lân và kali dễ tiêu giảm. Hàm lượng Ca2+ và Mg2+ cũng giảm.
b) Đồng bằng sông Cửu Long:
Đất mặn trung bình và ít: Độ chua của đất giảm; lân tổng số giảm; lân dễ tiêu giảm và kali dễ tiêu cũng giảm. Ca2+ giảm 1,91 meq/100 gam đất và Mg2+ cũng giảm 1,93 meq/100 gam đất.
Đất phèn tiềm tàng: Hàm lượng các chất tổng số: OC và N tổng số giảm. Hàm lượng lân dễ tiêu giảm. Các cation Ca2+ giảm 0,36 meq/100 gam đất; Mg2+ giảm 4,23 meq/100 gam đất. Đất phèn hoạt động: Hàm lượng OC giảm 1,04 %; kali tổng số tăng 0,35 % K2O; lân tổng số giảm 0,05 % P2O5 và đạm tổng số giảm 0,11 % N. Lân dễ tiêu giảm 2,70 mg P2O5/100 gam đất, nhưng kali dễ tiêu tăng 8,96 mg K2O/100 g đất. Các cation: Ca2+ giảm 1,90 meq/100 gam đất; Mg2+ giảm 3,51 meq/100 gam đất.
Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài tuyển chọn cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý đất xám bạc màu ở miền Bắc, nhóm nghiên cứu (Hồ Quang Đức và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [10] thực hiện cho thấy: Về chất lượng đất các vùng đất xám bạc màu hiện nay đã có những thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ canh tác, trước đây hầu hết các vùng đất xám bạc màu được xem là vùng đất nghèo kiệt các chất dinh dưỡng, thì nay một số hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất ở mức trung bình, đặc biệt hàm lượng lân tổng số và dễ tiêu đang ở mức giàu đến rất giàu (P2O5 dễ tiêu từ 16,72 - 44,88 mg P2O5/100 gam đất). Trong khi lân đang ở mức giàu thì hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu trong đất lại ở mức rất thấp (kali dễ tiêu từ 4,54 - 8,19 mg K2O/100 gam đất), điều này phần nào phản ánh chế độ dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng hiện nay của người dân đang bị mất cân đối, việc sử dụng quá nhiều phân lân trong khi ít sử dụng phân kali là nguyên nhân gây mất cân bằng dinh dưỡng trong đất đồng thời làm giảm hiệu lực của các loại phân bón khác.
Nhóm nghiên cứu (Trần Minh Tiến và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [13] khi thực hiện đề tài Nghiên cứu, đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại Thái Bình đã có một số nhận định về một số loại đất như sau:
(1) Nhóm đất phù sa:
- Đất phù sa glây: Yếu tố hạn chế chủ yếu là đất rất chua (chỉ số pH thấp), thành phần cơ giới nặng, bị glây và thường bị ngập úng. Loại đất này không thích hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như lạc, đậu tương, mía và hoa cây cảnh.Tuy nhiên, đất Phù sa glây chủ yếu thích hợp với trồng lúa.
- Đất phù sa nhiễm mặn: Được hình thành do trầm tích sông và biển, chịu ảnh hưởng của nước mặn biển theo thủy triều tràn vào hoặc gián tiếp do nước mạch mặn từ biển ngấm vào. Yếu tố hạn chế chủ yếu là đất bị nhiễm mặn, thành phần cơ giới nhẹ. Đất phù sa nhiễm mặn thường có phản ứng ít chua. Đất này chủ yếu thích hợp với trồng lúa.
- Đất phù sa nhiễm phèn: Đây là loại đất có độ phì trung bình đến khá, đặc biệt là ở tầng đất mặt, tuy nhiên có hạn chế do pH rất thấp, đặc biệt là ở những tầng đất tập trung nhiều phèn hoạt động.
(2) Nhóm đất glây: Hạn chế của loại đất này là bị ngập nước thường xuyên, hoặc nhiều thời gian trong năm và có mực nước ngầm nông. Đất Glây thường xuất hiện trên các chân ruộng có địa hình thấp trũng.
(3) Nhóm đất cát: Có ưu điểm dễ canh tác và thoát nước tốt, nhưng có hạn chế là nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước kém. Các cây trồng hiện nay được canh tác chủ yếu là hoa màu và một số cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương…
Trong quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý tỉnh Hưng Yên, nhóm tác giả (Trần Minh Tiến và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [16] đã rút ra kết luận: Đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp. Tính chung, OC tổng số dao động trong khoảng từ 0,72 - 0,99 % OC. Hàm lượng đạm tổng số khá thấp, nằm trong khoảng 0,08 - 0,10 % N. Lân tổng số và dễ tiêu ở mức trung bình, tính chung chỉ dao động trong khoảng 0,08 - 0,10 % P2O5 với lân tổng số và từ 5,7 - 8,2 mg P2O5/100 gam đất với lân dễ tiêu. Kali tổng số dao động trong khoảng 1,47 - 1,76 % K2O, ở mức trung bình nhưng kali dễ tiêu chỉ ở mức thấp, dao động từ 5,98 - 8,53 mg K2O/100 gam đất.
Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Nhiệm vụ KH&CN về Nghiên cứu đánh giá số lượng, chất lượng đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chính có hiệu quả tại tỉnh Phú Yên, nhóm nghiên cứu (Nguyễn Văn Đạo và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [11] cho thấy: Đất vùng sản xuất nông nghiệp của Phú Yên chủ yếu có một số dặc điểm sau: Hầu hết các loại đất đều chua đến chua nhẹ, pHKCl từ 4,2 - 4,5. Trừ nhóm đất đen (Luvisols) và các đơn vị đất phù sa ít chua. Hàm lượng cac bon hữu cơ từ 0,93 - 1,05 % OC, đạm tổng số từ 0,08 - 0,09 % N đều ở mức trung bình. Hàm lượng lân tổng số ở mức trung bình 0,08 - 0,10 % P2O5, lân dễ tiêu thấp: 2,2 - 2,9 mg P2O5/100 gam đất; Kali dễ tiêu từ 6,68 - 8,02 mg K2O/100 gam đất. Các loại đất đều có dung tích hấp thu (CEC) từ trung bình tới thấp: 11,5 - 12,9 meq/100 gam đất. Tổng các cation Ca và Mg trao đổi thấp. Nhìn chung đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Phú Yên chủ yếu có độ phì nhiêu thấp (chiếm 65,51 % diện tích đất vùng sản xuất nông nghiệp).
Các tác giả (Trương Xuân Cường, Nguyễn Thành Long và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [17] khi nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã xác định: Các loại đất của tỉnh Bắc Giang đều có thành phần cơ giới biến đổi từ cát pha đến thịt pha sét, tuy nhiên tầng mặt các đất hầu hết đều có thành phần cơ giới nhẹ và có chiều hướng tích tụ sét ở các tầng dưới. Độ chua của các loại đất biến động mạnh, từ chua nhiều đến trung tính, tùy theo từng vùng chuyên canh. Hầu hết các loại đất đều có dung tích hấp thu và độ no bazơ từ trung bình đến thấp. Đối với đặc tính nông học có sự khác biệt tương đối lớn giữa tầng đất mặt và các tầng dưới phẫu diện. Nhìn chung, trong toàn phẫu diện (ngoại trừ tầng mặt), hàm lượng các chất dinh dưỡng của các loại đất thường chỉ đạt mức nghèo đến trung bình. Riêng tầng đất mặt có sự biến động mạnh, hàm lượng các chất dinh dưỡng biến động từ thấp đến cao tùy theo từng vùng chuyên canh, đặc biệt là hàm lượng lân và kali trong đất, tầng mặt có thể gấp tới hàng chục lần so với các tầng đất phía dưới.
Báo cáo kết quả thực hiện của nhóm nghiên cứu (Trương Xuân Cường và nnk) của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa [14] khi tiến hành nhiệm vụ Điều tra, đánh giá thoái hóa đất phục vụ phát triển bền vững Thành phố Hà Nội cho thấy: Các loại đất của TP. Hà Nội đều có thành phần cơ giới biến đổi từ cát pha thịt đến sét, tuy nhiên tầng mặt các đất hầu hết đều có thành phần cơ giới nhẹ và có chiều hướng tích tụ sét ở các tầng dưới. Độ chua của các loại đất biến động mạnh, từ chua nhiều đến hơi kiềm, tùy theo từng vùng chuyên canh. Hầu hết các loại đất đều có dung tích hấp thu và độ no bazơ từ trung bình đến thấp. Hàm lượng các chất dinh dưỡng của các loại đất thường chỉ đạt mức nghèo đến trung bình.
4. KẾT LUẬN
Từ những đặc điểm nêu trên, có thể rút ra những nhận xét chung sau:
- Đối với các loại đất vùng đồng bằng:
Yếu tố hạn chế chủ yếu là thành phần cơ giới nhẹ, nghèo dinh dưỡng (đất cát); địa hình úng trũng, glây mạnh (đất glây); nhiều độc tố, hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ (đất phèn, đất mặn); thiếu hụt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là kali, chất hữ cơ; sử dụng phân bón chưa cân đối. Do các loại đất này được sử dụng để trồng cây lương thực nên để bảo đảm an ninh lương thực, cần có những biện pháp ổn định, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được đúc kết trong nghiên cứu cũng như trong thực tiễn sản xuất.
- Đối với các loại đất vùng trung du và đồi núi
Đa số các loại đất trong nhóm đất đỏ vàng chịu ảnh hưởng của quá trình phân giải mạnh, hàm lượng chất hữu cơ không cao; ở nơi còn rừng, chất hữu cơ khá hơn. Dù phát triển trên đá mẹ axit hay trung tính, tất cả các loại đất vùng đồi núi đều có phản ứng chua trong toàn phẫu diện (pHKCl biến thiên trong phạm vi hẹp 4,0 - 4,5). Đạm tổng số nghèo. Phần lớn các loại đất có hàm lượng lân tổng số tương đối khá, nhưng lân dễ tiêu rất nghèo, dao động từ 1 - 3 mg P2O5/100 gam đất. Kali dễ tiêu thường có hàm lượng thấp ngay trong cả đất màu mỡ như đất bazan. Các loại đất hầu đết đều nghèo kiềm, độ no bazơ phổ biến là 30 - 40 %. Do ở môi trường chua nên đất chứa một lượng nhôm di động đáng kể, trị số cực đại đã phát hiện được lên tới 30 - 40 mg Al3+/100 gam đất (trên liparit, poocphia) nhiều trường hợp vượt xa ngưỡng độc hại (6 mg Al3+/100 gam đất).
- Từ những kết quả nghiên cứu đã trình bày ở trên, có thể rút ra một số điểm về giảm sút và thiếu hụt dinh dưỡng như sau: Sự giảm sút và thiếu hụt chất hữu cơ trong đất trong những năm gần đây là hồi chuông báo động cho việc phát triển một ngành nông nghiệp hữu cơ lâu bền. Hàm lượng kali dễ tiêu trong đất thấp là một trong những yếu tố dinh dưỡng hạn chế cần có những biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tiềm năng đất đai phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái của nước ta không phải là nhỏ. Do vậy, việc đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu về ổn định và nâng cao độ phì nhiêu đất, cân bằng dinh dưỡng cho từng loại cây trồng…; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tổng hợp trong nông nghiệp để khai thác đất đai có hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho toàn dân là rất cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Biên tập Bản đồ đất Việt Nam (1976), Đất Việt Nam (Bản Thuyết minh dùng cho Bản đồ đất Việt Nam tỷ xích 1/1.000.000), Bộ Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Hội Khoa học Đất Việt Nam (1996), Đất Việt Nam (Bản Chú giải Bản đồ đất tỷ lệ 1/1.000.000), NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
3. Hội Khoa học Đất Việt Nam (2000), Đất Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
4. Phạm Ngọc Tuấn, Hồ Quang Đức, Lê Thị Minh Lương, Dương Văn Vinh (2014), Đánh giá thực trạng một số loại đất điển hình trồng mía tại Thanh Hóa, Tạp chí Nông nghiệp và PTNT số 3+4/2014, Hà Nội. Tr. 85-90.
5. Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (2015), Nghiên cứu xác định các yếu tố hạn chế của đất cà phê vùng trồng cà phê già cỗi và các giải pháp khắc phục để tái canh có hiệu quả, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hà Nội.
6. Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (2015), Nghiên cứu giải pháp tổng hợp phát triển sắn bền vững trên đất gó đồi miền Trung và Tây Nguyên, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hà Nội.
7. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa - Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng sản phẩm (2001), Những thông tin cơ bản về các loại đất chính Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
8. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2010), Nghiên cứu thực trạng đất phèn và đất mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sau 30 năm khai thác sử dụng, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài tuyển chọn cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hà Nội.
9. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2011), Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía đường huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đề tài thuộc Dự án KHCN Nông nghiệp vốn vay ADB của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hà Nội.
10. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2012), Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý đất xám bạc màu ở miền Bắc, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài tuyển chọn cấp Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hà Nội.
11. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2014), Nghiên cứu đánh giá số lượng, chất lượng đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chính có hiệu quả tại tỉnh Phú Yên, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, Hà Nội.
12. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2014), Nghiên cứu xác định yếu tố hạn chế của độ phì đất trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp khắc phục, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đề tài cấp Bộ, Hà Nội.
13. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2014), Nghiên cứu, đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại Thái Bình, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đề tài cấp Tỉnh, Hà Nội.
14. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2014), Điều tra, đánh giá thoái hóa đất phục vụ phát triển bền vững Thành phố Hà Nội, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp Tỉnh, Hà Nội.
15. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2014), Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi khả năng canh tác cà phê trên diện tích sau thanh lý ở Đắk Lắk, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, Hà Nội.
16. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2015), Điều tra, đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý tỉnh Hưng Yên, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đề tài cấp Tỉnh, Hà Nội.
17. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2015), Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, Hà Nội.
=============
SUMMARY
MAIN SOIL UNITS AND THEIR NUTRIENT DEFICIT FOR CROPS IN VIETNAM
The humid tropical climate, dissected topography and complicated geology history have generated abundant and diverse soil units in Vietnam. With the total mainland area is more than 33 millions hectares, Vietnam has soil resources with different soil groups and units. According to the Vietnam soil map legend at scale 1/1,000,000 (1976- Editoral Board for Vietnam Soil Map), there are 13 soil groups with 31 soil units in Vietnam. During the past years, vietnamese soil scientists have studied all soil unit properties and their nutrient content supplying to crops. Research results showed that the decrease and inadequate in organic matter is observed in almost soil units that affected the sustainable organic argiculture development. It is also showed that the low content of available Potassium is one of the limiting nutrient elements that need to take effective measures to improve in the coming time.
Tin liên quan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây